Nếu cách đây hàng chục năm, tư tưởng “An cư lạc nghiệp” vốn bén rễ sâu trong tâm thức người Việt, khiến việc sở hữu vĩnh viễn bất động sản nhằm lưu truyền cho con cháu, thì ở thời điểm hiện tại, các loại hình bất động sản đa dạng đã hình thành, bước đầu mở rộng hơn quan niệm truyền thống “Tích đất cất sản”, chú trọng mục tiêu nâng cao chất lượng sống.
Bất động sản có thời hạn – loại hình tất yếu trên thế giới
Tại Việt Nam, cuối năm 2022, Bộ Xây dựng đã đề xuất ý kiến về quy định thời hạn của chung cư chỉ giới hạn trong 50 – 70 năm. Trong khi đó, trên thế giới, hình thức bất động sản có thời hạn đã rất phổ biến. Tại Trung Quốc nơi quỹ đất đô thị eo hẹp với dân số khổng lồ, chủ đầu tư thuê đất để triển khai dự án còn người dân khi mua bất động sản sẽ tiếp nhận hợp đồng thuê đất có thời hạn từ 50 đến 70 năm. Tại Thái Lan, người dân được phép lựa chọn sở hữu vĩnh viễn hoặc có thời hạn 30 năm và tiếp tục gia hạn sau khi kết thúc. Singapore nới lỏng hơn khi cho phép chung cư có thời hạn sở hữu đến 99 năm. Tại Mỹ, chính sách hạn chế thời hạn sở hữu áp dụng với mọi loại hình, từ chung cư, trang trại, tới biệt thự… với 85% bất động sản tại Mỹ sở hữu có thời hạn tối đa 99 năm.
Tại Việt Nam, tư duy sở hữu bất động sản có thời hạn cũng dần phổ biến hơn khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố khác như giá trị sử dụng, chất lượng bất động sản… cũng như sự tương đồng về bản chất của việc sở hữu bất động sản có thời hạn và bất động sản lâu dài.
Chị Châu, chủ nhân của một căn dinh thự Gran Meliá Nha Trang trị giá 5 triệu USD, cho biết: “Từ kinh nghiệm sở hữu nhà tại nhiều quốc gia, đối với tôi, pháp lý đầy đủ, tiện ích, vị trí hiếm có như Gran Meliá Nha Trang quan trọng hơn là việc bắt buộc phải sở hữu vĩnh viễn. 50 năm đủ dài cho bất cứ mục tiêu gì, dù sử dụng hay đầu tư”.
Theo Điều 44 luật Đầu tư số 61/2020/QH14 Quốc Hội ban hành, các dự án được sở hữu trong 50 hoặc 70 năm được gia hạn sau khi hết hạn. Song hành với những chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế xã hội, cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có thu nhập và khối tài sản ở mức khá, sự quan tâm của khách hàng hướng sang các yếu tố khác quyết định giá trị của sản phẩm như tiện ích, dịch vụ, thương hiệu, tính hiếm có. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng sử dụng tài sản để phụng sự chủ nhân, nâng cao chất lượng sống nhằm cải thiện tinh thần, sức khỏe và tuổi thọ – những mục tiêu được dự đoán là trọng tâm của tiêu dùng trong thập kỷ mới thời hậu Covid-19 và phát triển kinh tế đi kèm “stress” (căng thẳng).
Sống lâu không bằng sống “sâu”
Sự ra đời của phân khúc bất động sản hàng hiệu, bất động sản nghỉ dưỡng triệu đô… trong những năm gần đây cho thấy sự biến chuyển rõ rệt trong tư duy của tầng lớp thu nhập cao tại Việt Nam.